3/21/2016

21. Thầy Thích Thông Lạc (15/07/2016)


Không có thế giới siêu hình (phần 2/2)

Còn thế giới vô hình là bóng dáng của thế giới hữu hình do tưởng uẩn tạo ra mà chúng ta không hề hay biết, nên sống trong tưởng tri thường cho nó là một thế giới vĩnh hằng. Vì thế, có nhiều người nghĩ tưởng rằng theo các tôn giáo, phục vụ tôn giáo đến khi chết sẽ được về cõi trời, cõi Phật hoặc làm một việc gì hy sinh cho tôn giáo thì sẽ được phong thánh, sẽ được về với Phật, về trời, v.v…



Thưa các bạn ! Các bạn nên suy nghĩ cho chín chắn lại đi! Một con người còn hung ác, tâm còn tham sân, si dữ tợn, vì tôn giáo mình hy sinh giết người, ăn thịt các loài cầm thú như cọp, như beo vậy mà khi muốn chết đi về cõi trời, cõi Phật, thì về về chỗ nào được các bạn?

Một vị Thánh còn có hành động giết người, còn tham sân si ngút trời mà làm thánh được hay sao các bạn?


Trong bộ sách Đường Về Xứ Phật có trích một đoạn kinh, đức Phật bài bác các thầy Bà La Môn tụng kinh cầu siêu cho linh hồn người đã chết. Ngài đưa ra một ví dụ “tảng đá và giọt dầu”. Tảng đá và giọt dầu mang đầy đủ một ý nghĩa sâu sắc rất lớn đối với kiếp làm người (**).

Thứ nhất: Khi con người còn sống thì lầm chấp trong thân này còn có linh hồn, vì vậy, thân tâm này là mình, là của mình, cho nên cố gắng làm mọi việc, dù làm việc ác, nếu có thể giết người cũng vẫn cứ làm, miễn là cứ làm như thế nào tiền bạc cho thật nhiều để phục vụ cho mình đầy đủ hơn, sung sướng hơn, v.v…còn ai khổ đau chết cũng mặc kệ. Nhưng khi thân này chết rồi cũng giống như tảng đá, gốc cây là những vật vô tri, còn có vật gì đâu là hữu tri nữa. Bởi, đức Phật đã xác định: “Khi tứ đại tan rã thì chẳng có một vật gì tồn tại”. Vậy thì làm sao có linh hồn trong thân được mà tụng niệm cầu siêu. Đó chẳng qua là một sự tưởng tượng của loài người mà thôi.

Thứ hai: Tảng đá ví nghiệp ác. Khi con người còn sống làm điều ác tức là làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Khi chết rồi nghiệp ác ấy vẫn còn mà đức Phật ví dụ nó nặng như tảng đá. Đó là tảng đá nghiệp, nếu đem ném xuống hồ nước rồi mời các thầy đến tụng niệm cầu cho tảng đá nổi lên mặt hồ. Chắc chắn, điều này không thể làm được. Đúng quá, phải không các bạn?

Thứ ba: Giọt dầu ví như nghệp thiện. Khi con người còn sống, làm điều thiện là ngăn ác, diệt ác, luôn luôn sống trong thiện pháp, làm việc thiện. Có nghĩa là sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Đến khi thân này tan rã, thần thức cũng không còn, chỉ còn lại nghiệp thiện. Nghiệp thiện này đức Phật ví nó như giọt dầu, nếu đem nó đổ xuống hồ nước, không cần phải mời các thầy tụng kinh, niệm Phật, nó cũng nổi trên mặt nước. Điều này, chắc chắn ai cũng biết được. Hiển nhiên quá phải không các bạn?

Đức Phật nêu ra tảng đá và giọt dầu, đây là mục đích dẹp bỏ sự mê tín, lạc hậu qua nhiều hình thức cúng tế, cầu siêu, cầu an, mà từ ngàn xưa cho đến nay vẫn còn. Sở dĩ như thế vì con người không đủ trí tuệ sáng suốt vén màn vô minh ấy để phá vỡ những phong tục tập quán mê tín, lạc hậu lâu đời này, trái lại loài người đã mê lầm duy trì và truyền thừa từ đời ông cha cho đến đời con cháu. Với sự hiểu biết mơ hồ trừu tượng, ảo giác con người đã làm cho con người khổ đau, lại càng thêm khổ đau hơn.

Bởi vậy, nhiều người còn lạc hậu bảo rằng: Tụng kinh niệm Phật để cho linh hồn nghe kinh kệ mà tiêu diêu nơi miền Cực Lạc, hoặc linh hồn còn tiếp tục nghe kinh kệ như lúc còn sống để học hỏi, để tiến hóa, dù cho linh hồn đó ở cảnh giới nào sau khi chết. 

Qua ý kiến này, chúng ta mới nhận thấy được tai hại của tư tưởng trong các kinh sách của một số hệ phái khác đã gieo rắc vào lòng người sự mê tín, lạc hậu mà đến giờ này dù là những người có học thức, như những giáo sư, tiến sỹ hay bác sỹ vẫn còn mờ mịt, vẫn còn tin theo một cách mù quáng, chứ đừng nói chi giới bình dân ít học.

Cho nên hiện giờ là thời đại khoa học hóa và kỹ nghệ hóa đời sống con người, nhưng mê tín, lạc hậu của con người vẫn còn mãi mãi. Sự truyền thừa mê tín của Bà La Môn cho rằng con người có linh hồn nên mới có sự sống sau khi chết, linh hồn luôn luôn học hỏi để tiến hóa, dù bất cứ ở cảnh giới nào.

Chúng tôi rất đau lòng vì một tu sĩ Phật giáo trong hàng giáo phẩm thượng tọa của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà tụng kinh trị bệnh ma, trừ tà, yểm quỷ hoặc tụng kinh đi vớt những linh hồn người chết trên sông. Một tu sĩ Phật giáo mà giống như những thầy phù thủy, làm những điều mê tín, mơ hồ, ảo tưởng, khiến cho những người nhẹ bóng vía tin theo. T.T này còn thu băng, phổ biến khắp nơi với tựa đề rất hấp dẫn “Chuyện lạ thế kỷ 21”.

Chính vì thượng tọa này không biết những hiện tượng lạ đó xảy ra là do thần kinh tưởng uẩn của người mất bình thường. Cho nên, thượng tọa đã làm một điều phi Phật giáo.

Đó là một đường lối đi ngược lại với đường lối Phật giáo, đường lối phi đạo đức nhân quả - nhân bản. Cho nên nếu mọi người sống đúng đạo đức nhân quả - nhân bản thì sẽ không làm khổ mình khổ người và khổ chúng sanh. Một cuộc sống như vậy là một cuộc sống biết ngăn ác, diệt ác, sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp; một cuộc sống Thiên Đàng, Cực Lạc các bạn ạ ! Còn ngược lại tu sĩ Phật giáo lại tụng kinh đi cầu hồn ma thì đó là tu sĩ của “tà đạo bàng môn”.

Đứng trong hàng ngũ của ngoại đạo cho rằng luật nhân quả là luật của tạo hóa, thì người ta sẽ hiểu lầm lạc rằng: Có ông Tạo Hóa làm ra luật nhân quả này để xử phạt. Hay người ta hiểu rằng: tạo hóa là chỉ cho vạn vật trên hành tinh này? Hiểu như thế nào cũng lệch lạc hết các bạn ạ !

Theo chúng tôi xác định: Luật nhân quả là do mỗi sự sống trên hành tinh này tạo ra nhân quả, rồi từ nhân quả ấy xử phạt lại nó mà gọi là luật, cho nên luật mà không luật. Vì thế, nhân quả xử phạt mới rất công minh là vậy, chứ không có ông tạo hóa nào, hay vạn vật nào làm ra luật nhân quả này cả.

Trong kinh sách của một số hệ phái lấy luật nhân quả hù dọa người. Nếu ai nói kinh sách sai thì “đầu bể bảy miếng”, nói thầy tổ sai thì tội “đọa địa ngục”. Đó là những lời hù dọa để bịt miệng mọi người, không cho nói lỗi của sư thầy hay kinh sách.

Thưa các bạn ! Như các bạn đã biết do đâu mà có nhân quả; đó là từ hành động thân, miệng, ý của người đó tạo ra nhân để nhân sanh quả, mà gọi là luật, chứ không có tạo hóa nào tạo ra luật nhân quả để xử phạt ai hết. Vì, nếu có ngừơi tạo ra luật nhân quả thì luật nhân quả không công minh, chính trực. Phải không hỡi các bạn?

Cho nên, nói tời luật nhân quả, là mọi người đều biết luật nhân quả của mình, không sợ ai hù dọa mình. Khi nói một lỗi của người nào, thì người ấy phải có lỗi thật sự, còn nếu không lỗi mà nói có lỗi là lời nói vu khống, lời nói đó sẽ trở lại xử phạt họ.

Ví dụ: Nói kinh sách phát triển của một số hệ phái sai là vì kinh sách này dạy giáo lý mê tín, trừu tượng, ảo giác, mơ hồ của Bà la môn, để lừa đảo tín đồ Phật giáo. Nói các tổ sai là vì các tổ tìm mọi cách diệt Phật giáo bằng cách soạn viết kinh sách đập phá bốn chân lý của đạo Phật và chế Bồ tát giới cấm không cho phật tử tu học theo giáo lý của đức Phật.

Do các Tổ có ác ý với Phật giáo, nên chúng tôi nói thẳng, chỉ thẳng. Nói đúng một sự thật thì đó là một việc làm thiện, một việc làm tốt để giúp ích cho biết bao nhiêu người thoát khỏi sự mê tín, lạc hậu làm hao công sức và tiêu hao tiền của, vật chất một cách nhảm nhí. Một lời nói thật và thẳng thắn làm ích lợi cho muôn người mà bảo rằng đọa địa ngục thì đó là lời hù dọa vô căn cứ của giáo pháp tà đạo, không hiểu luật nhân quả.

Vì thế, đạo Phật dạy chúng ta sống luôn luôn ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện. Nói cái sai để cho mọi người thấy biết rõ để tránh khỏi tai họa mà bảo rằng có tội là không đúng. Giúp cho mọi ngừơi tránh được tai họa thì có phước chứ sao có tội. Phải không các bạn?

- Phần trên đây là Tâm Phúc trích từ sách “Những Lời Gốc Phật Dạy” của Trưởng lão Thích Thông Lạc, tập II, trang 194 -206, Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2006.

- Vấn đề không có thế giới vô hình, các hiện tượng tìm mộ liệt sĩ, các cõi trời, v.v… đã được Trưởng lão Thích Thông Lạc trả lời và trích giảng các bài kinh nguyên thủy nhiều lần trong bộ sách Đường Về Xứ Phật (10 tập), Những Lời Gốc Phật Dạy (4 tập), Nxb Tôn Giáo, 2006 và tập sách Những Chuyện Kỳ Lạ Xảy Ra Trên Thế Giới, Linh Hồn Không Có, Nxb Tôn Giáo, 2008. Tâm Phúc sẽ lần lượt post các phần này lên blog yume Hoa Súng, thân mời các bạn đón đọc.

- Ðạo Phật lấy đạo đức nhân bản - nhân quả, lý nhân duyên để khẳng định cho sự hình thành của vạn vật trong vũ trụ, và con người chúng ta tất nhiên cũng không nằm ngoài qui luật ấy. Sau khi thân ngũ uẩn tan hoại (Phật dạy rằng con người do năm duyên hợp lại mà thành, cho nên gọi là thân ngũ uẩn – sắc, thọ, tưởng, hành, thức) xác thân trở về cát bụi chỉ còn duy nhất là cái nghiệp thiện, ác của nhân quả thiện, ác mà tái sanh qua kiếp khác, chứ không bao giờ có đấng toàn năng, thần thông phép mầu nào khác cứu ta được cả. Khi người chết thì năm uẩn tan mất, thân tứ đại trở về với cát bụi, về với hư vô, không còn sót một vật gì thường hằng (linh hồn, hay Phật tánh) (cát bụi trở về cho cát bụi, còn nghiệp tái sinh luân hồi, cho nên ai đó nói “chết là hết” là không đúng). Đức Phật đã xác định rõ trong bài kinh như trên thì không thể có linh hồn phách lạc, đi đây đi đó, v.v… phải không các bạn. Đó chỉ là một sự mê tín trong nhân gian. Việc cầu siêu, cầu an hay những lời chú nguyện,v.v.. cũng chỉ giống như một lời chúc an lành, chúc cho người đó vậy thôi còn nghiệp của người đó sẽ dẫn họ đi.

- Trong trang 156, quyển sách HT. Thích Thanh Từ. Tu Là Chuyển Nghiệp, Nxb Tôn Giáo, 2005 cũng có ghi rõ: “Đạo Phật không thừa nhận linh hồn”. Đây là quyển sách dành cho người mới học Phật.

- Hòa Thượng WALPOLA RAHULA, trong tác phẩm “What The Buddha Taught” do Tỳ kheo Thích Nữ Trí Hải dịch, HT. Thích Minh Châu ghi lời giới thiệu, ở Chương 6 VÔ NGÃ (ANATTA) cũng có ghi rõ: “Phật giáo là tôn giáo độc nhất trong lịch sử tôn giáo nhân loại phủ nhận hiện hữu của một linh hồn”. Tâm Phúc thấy rằng đây là quyển sách rất hay, và rất phù hợp cho chúng ta, những người mới bắt đầu học Phật, như lời của HT W. Rahula viết: “Cuốn sách nhỏ này trước hết dành cho độc giả trí thức chưa có hiểu biết đặc biệt gì về Phật pháp, mà muốn biết thực sự đức Phật đã dạy những gì. Nhắm vào hạng người này, tôi đã cố trình bày gọn và trực tiếp, những lời của chính đức Phật đã dạy, như được thuật lại trong Tam tạng Pàli mà các học giả đều xem là tư liệu cổ xưa nhất còn tồn tại về giáo lý Phật. Tài liệu và những trích dẫn trong sách này đều rút từ tạng kinh ấy”.

- "Không có thế giới siêu hình" với một số bạn sẽ khó chấp nhận, nhưng mong các bạn hãy bình tâm đọc lại các kinh sách nguyên thủy và đọc thật kỹ những sách mà Tâm Phúc đã nêu ra ở trên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.