5/07/2016

Thư ngỏ

Kính chào các cô chú đã ghé thăm trang web. Cháu là một hành giả Vô vi (Pháp lý Vô vi khoa học huyền bí phật pháp). Cháu xin được xưng là cháu và thưa với các cô chú, mặc dù độc giả của trang cá nhân này có thể là các anh chị em bạn đạo hoặc người mới tìm hiểu về Vô vi.



 Cháu lập trang web này với mục đích làm sáng tỏ một nghi vấn lớn trong cháu thời gian qua: dưới con mắt Phật giáo, Vô vi có phải là chánh pháp? – Vô vi có đưa con người đến giải thoát thực sự? Chúng ta, những hành giả Vô vi, đã suy nghĩ chín chắn chưa khi chọn phương pháp này hay chúng ta thấy người đi trước nói hay, nói tốt rồi chúng ta, những người đi theo sau, cũng đi theo? Những người đi trước chúng ta đã thực sự giải thoát chưa, hay chỉ có một vài khả năng đặc biệt do thực hành pháp môn làm người thường chúng ta ngưỡng mộ, hoặc họ chỉ thấy một góc phiến diện nào đó của chân lý vô cùng, ẩn tàng, khó nhận biết chân thực, mà vô tình  hay cố ý vẫn thuyết giảng, cổ vũ chúng ta đi theo con đường này?


 Với nhiều năm thực hành và sinh hoạt trong cộng đồng Vô vi, cháu phần nào hiểu được cách thức sinh hoạt, đường lối tu tập, phương pháp hành cùng với khó khăn thuận lợi, cảm giác (ấn chứng) mà Vô vi mang lại cho cháu. Cháu có nhiều kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp và nhiều quan hệ gắn bó trong Vô vi, cháu biết ơn Vô vi về điều này. Bản thân cháu, dù trong hoàn cảnh nào, cháu nghĩ Vô vi đã và sẽ vẫn là một phần của con người cháu, cuộc đời cháu.
Từ khi bước chân vào Vô vi, công việc khá bận rộn và nói thành thực cháu cũng nhiều lúc tham, sân, si, dục … dầu vậy cháu cố gắng thực hành vì cháu mong muốn tìm cho mình một con đường giải thoát, làm một con người hoàn thiện, cao thượng, chiến thắng lấy chính mình. Vô vi đã từng cho cháu niềm tin về một con đường như vậy.

 Cách đây một thời gian cũng khá lâu, cháu tình cờ biết đến một vị sư tên là Thích Thông Lạc, thường thì cháu không mấy quan tâm đến các vị sư Phật giáo, nhưng vị sư này đã gây ấn tượng mạnh trong cháu. Lúc đầu cháu tìm hiểu về ngài chỉ vì ý chí tuyệt vời, dũng mãnh và khắc kỷ tìm cầu con đường giải thoát của ngài – ý chí đó khích lệ cháu nhiều trên con đường của mình. Ngài có một thời gian dài tu không đúng chánh pháp, nhưng khi ngài quay về những pháp hành của chính Phật Thích Ca thực hành năm xưa, ngài đã tìm được sự giải thoát. Ngài được cho là chứng những gì Phật Thích Ca đã chứng được [xem Phụ Lục 1].

 Thực ra khi nói về ấn chứng hay sự chứng đạo của một người nào đó ít khi cháu tin ngay – đối với Vô vi cũng vậy, cháu có niềm tin nhưng hiếm khi cháu đặt niềm tin một cách tuyệt đối – mà cháu thường xem xét lối sống, hành động, cử chỉ, lời nói và đạo đức của  họ, không chỉ những lúc họ đứng trước công chúng mà quan trọng hơn là những gì họ thể hiện một cách tình cờ, vô ý lúc đời thường. Mặc dù rất ngại và ít khi ca tụng một người nào đó, nhưng cháu phải nói rằng thầy Thông Lạc là một bậc có đức hạnh hiếm có, lối sống cũng như tình thương, trách nhiệm của thầy đối với đệ tử cháu chưa từng thấy. Chính những điều này là những điều làm cho cháu có nhiều niềm tin vào lời nói của thầy.

 Nếu mọi việc chỉ dừng ở đây thì không có gì đáng nói, có gì hay của vị thiền sư đó thì mình học hỏi, còn Vô vi thì mình vẫn thực hành – hai thứ bổ sung cho nhau thì càng tốt chứ sao! Vấn đề ở chỗ vị thiền sư này cho rằng pháp môn xuất hồn không phải  là một pháp môn giải thoát, tất cả các cảnh giới, trạng thái trong khi xuất hồn đều là tưởng – một trạng thái từ tưởng uẩn của mình lưu xuất ra mà thôi – nó không có thật [xem Phụ lục 2].

 Mới đầu cháu cũng lấy làm lạ và nghi ngờ. Cháu bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về Thầy Thông Lạc và tìm hiểu nhiều hơn về kinh Phật. Xin đi ngoài lề một chút, phải nói rằng kinh Phật đã bị tam sao thất bổn nhiều. Phật giáo chia làm hai truyền thống Nam tông (Phật giáo Nguyên Thủy) và Bắc tông (Phật giáo Đại Thừa) . Phật giáo Bắc tông truyền vào Việt Nam từ Trung Quốc được cho là giảng dạy những điều khác rất xa với phương pháp hành của Phật Thích Ca ngày xưa, một số kinh điển  được cho là ngụy tạo. Kinh điển và pháp hành theo Phật giáo Nguyên Thủy – do chủ trương của họ là giữ nguyên không thay đổi chút nào những gì Phật Thích Ca chỉ dạy ngày xưa – còn phần nào giữ được tính nguyên vẹn ban đầu. [Xem Phụ lục 3]

 Theo cháu hiểu thì có lẽ Phật giáo cũng không chấp nhận trạng thái xuất hồn và cho rằng các trạng thái này nằm trong tưởng uẩn của con người (phải chăng những cảnh giới xuất hồn chẳng qua là do những ký ức, quan niệm, sở thích, niềm tin tưởng của mình không những trong kiếp này mà còn ghi dấu ấn trong tiềm thức từ nhiều kiếp đã qua – khi mình tác động một cách có ý thức theo những cách thức nhất định mà lưu xuất, biến hiện ra như vậy chứ không có thật – mà nằm mơ là một ví dụ của sự biến hiện này nhưng trong trạng thái vô thức?), Phật giáo cũng cho rằng xuất hồn là một trong những ấm ma – cần phải mau từ bỏ [xem Phụ lục 4].

 Đứng trước vấn đề hệ trọng trên cùng với nghi vấn: Vô vi có phải là chánh pháp? Cháu lập trang web này với một trong những mục đích là tìm câu trả lời cho câu hỏi trên. Thông thường một hành giả trong một pháp môn hay giáo phái nào đó hay có những lập luận, hành động bảo vệ môn phái mình – điều này là khá tự nhiên. Nhưng với một người trong pháp môn Vô vi như cháu, với mục đính là sáng tỏ Vô vi (sáng tỏ ít nhất đối với cháu), cháu không làm như vậy mà cháu sẽ nêu lên những điều mang tính chất phản biện Vô vi. Xin các cô chú hiểu là phản biện ở đây không có nghĩa là nói xấu, mà cháu đưa ra một góc nhìn khác với cái nhìn về Vô vi trước đây - góc nhìn đa chiều.

 Như cháu đã nói ở trên, cháu sẽ nêu lên những điều mang tính cách phản biện với Vô vi, nhưng lập trường của trang web này là không khằng định hay phủ định những điều đó, chỉ đơn thuần là nêu lên mà thôi. Cháu nghĩ mỗi hành giả cần có sự sáng suốt nhận định cho riêng mình điều nào là đúng, điều nào là sai và điều nào là phù hợp với bản thân mình – cháu xin không được trách nhiệm với những điều đó. Mặc dù có ý thức tránh, nhưng trong cách diễn đạt có thể không tránh khỏi những chỗ cảm tính hoặc bị hiểu là cảm tính, nếu có xin các cô chú bỏ qua và trong những trường hợp đó cháu xin xác nhận lại lập trường ở trên là không khằng định hay phủ định điều gì – quyền và trách nhiệm nhận xét thuộc về người đọc.

 Cuối cùng cháu kính chúc các cô chú và toàn thể bạn đạo thân tâm thường an lạc.

CXR – Mùa hè 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.